Học qua trải nghiệm
Cuốn sách PEAK (tựa tiếng Việt: Những ảo tưởng về thiên tài) của nhà tâm lý Anders Ericsson đưa ra những ngộ nhận thường gặp về các thiên tài. Theo đó, hình ảnh “thiên tài” mà chúng ta thường thấy chỉ là phần nổi, còn ít ai để ý cả một quá trình nỗ lực không mệt mỏi. Hành trình đi đến thành quả về năng lực (chưa nói đến thành công trong sự nghiệp) là vô cùng gian nan.
Nhưng có vẻ Ericsson quên không nhắn gửi vài lời cảnh báo tới những đang nghĩ mình có chất ‘thiên tài’ hoặc ưa thích ‘phẩm chất thiên tài’ ở một mức độ nào đó. Có vẻ như người ta thích thích “đột phá”, như là một phong cách gợi ra phẩm chất thiên tài. Đột phá nhiều khi có nghĩa là “đi tắt đón đầu”, là “thần chưởng”, là “ba tuổi vươn mình thành thánh”. Lời nhắn có hàm lượng tri thức khoa học cao của Ericsson có thể giúp chúng ta nên ít tin vào chuyện chuyện đột phá năng lực thì tốt hơn.Thiên tài không tự nhiên mà sinh ra, họ đều là những người phải mướt mồ hôi học tập qua trải nghiệm với kỉ luật cao và phương pháp đúng đắn.
Ảnh: unsplash
Khi nhắc tới việc học thì chúng ta thường nghĩ đến kiến thức từ sách vở trước tiên, sau đó mới đến kinh nghiệm. Nhưng cả hai hình thức chỉ nên là phương tiện để học tập và đầu vào cho quá trình biến đổi tri thức thật sự bên trong mỗi cá nhân.
Sách là cái bên ngoài, lời giảng của bậc thầy là cái bên ngoài, video của các khóa học trực tuyến là cái bên ngoài, TED talks là cái bên ngoài, bài giảng của giáo sư Havard trên edX là cái bên ngoài. Bằng một chu trình thử nghiệm có chủ đích, ta đưa những thứ được gọi là kiến thức đó vào bên trong. Nhưng quá trình này không dễ dàng hay nhanh chóng. Chúng ta không dễ học mót của thiên hạ (ngay cả khi ta đã nhớ được vài điểm mấu chốt/một vài điểm ghi nhớ mang về, cũng không có nghĩa là ta đã học được, vì có khi ta sẽ quên ngay sau vài ngày, hoặc nói như một con vẹt mà khi được yêu cầu diễn giải lại không tài nào mở miệng ra được, hoặc cũng không thể vận dụng nó làm cái gì; nếu là những ghi chép thì chúng ta cũng chỉ đang biến từ cái của người ta từ chỗ này ta đặt vào một chỗ khác là cái sổ, chứ chưa hề đi vào bên trong của đầu óc. Chúng ta cũng không dễ gì đọc sách xong là có thể trở nên thông thái.
Trong khi đó, kinh nghiệm hay trải nghiệm có thể tạo ra những biến đổi thật sự bên trong. Một người cứ thực hiện công việc, cứ hành động thì sẽ tạo ra sự thay đổi cả bên trong và bên ngoài. Nhưng không phải mọi sự trải nghiệm đều mang tính học hỏi. Mà việc trải nghiệm cần thực hành một cách chú tâm và chủ động. Chỉ khi việc trải nghiệm đi kèm với phản tư thì con người mới có thể thật sự thay đổi.
Sự thực hành chú tâm cần cả quá trình thử nghiệm liên tục và rèn luyện tư duy không ngừng. Đó là quá trình đi từ phán đoán vấn đề, quan sát các dữ kiện, dùng lý trí để hình thành và xây dựng một đề xuất trong đầu, rồi chủ động thực hiện để kiểm tra kết luận đó. Bằng cách rèn luyện tư duy, chúng ta mới thật sự đang học và những kiến thức đã ở bên trong chúng ta. Cách học này được gọi là học qua trải nghiệm, học qua hành động, làm-thì-học, hay học-mà-làm.
Vì vậy, đừng ngạc nhiên nếu như ta đọc cả đống sách, sở hữu cả đống bằng cấp trong tay mà vẫn không chuyển hoá được tri thức. Hãy ghi nhớ lời triết gia John Dewey, nhà cải cách giáo dục vĩ đại: “Có kinh nghiệm chủ động, học hành làm việc để biến đổi kinh nghiệm sẽ thúc đẩy sự phát triển (growth), không ngừng.”