Kiến tạo văn hoá nhóm tích cực

Cuốn sách Culture Code (mật mã văn hóa) của Daniel Coyle, tác giả của cuốn sách “Mật mã tài năng” bán rất chạy thảo luận và chắt lọc ra vài yếu tố cốt yếu để các nhóm làm việc sao cho “nhóm cho ra nhóm”.

teamwork-unsplash

Ảnh: unsplash

Ba yếu tố được viết tắt là SVP; gọi là mật mã văn hóa. Phạm vi được thảo luận trong cuốn sách là “văn hoá nhóm”, không phải là “văn hóa tổ chức” vốn rộng lớn và phức tạp hơn.

S: Safety

Yếu tố đầu trong mật mã văn hóa là An toàn (Safety). Sự an toàn ở đây là an toàn về tâm lý. “Nhóm” là một không gian đủ an toàn để các thành viên có thể thoải mái bộ lộ mọi cái hay cái dở, là chỗ để khóc cười thoải mái và quan trọng hơn hết là có cảm giác “thuộc về”, cảm giác “một thành viên của bộ lạc”.

V: Share Vulnerability

“Share Vulnerability” tức là chia sẻ được sự yếu kém của bản thân. Đại ý chữ V trong bộ ba SVP này là khả năng mà một nhóm tạo ra được sự tin cậy lớn trong hợp tác làm việc nhờ vào khả năng có thể chia sẻ những điểm yếu kém từ mỗi thành viên nhóm.

Khi xảy ra những thách thức lớn, thành viên của nhóm sẵn sàng đưa tay ra để giúp đỡ các thành viên còn lại. Khi không cần nói mà cả nhóm suy nghĩ như một, và cùng nhau tiến về phía trước như thể một thực thể duy nhất. Khi mỗi người có thể nói ra rằng mình cần được trợ giúp, và sẽ nhận được sự phối hợp của phần còn lại. Khi một người có thể bộc lộ ước mơ của mình, tính cách của mình, sở thích của mình mà không ngại ngần sự phán xét hay chịu hậu quả.

Bằng việc gửi đi một tín hiệu về “yếu kém” của bản thân, cũng có nghĩa rằng tôi tin cậy mọi người, và cần sự trợ giúp. Khi người nhận được tín hiệu “cầu cứu”, và ứng xử đúng đắn để đáp lại, rằng “Để xem tớ có thể giúp được gì”, thay vì đánh giá hoặc phê bình về nhược điểm đó. Điều đó sẽ kích hoạt cho một quá trình hợp tác và tin cậy ở mức độ mới. Khi mỗi thành viên có thể nói “hãy nói cho tôi biết bạn cần gì, tôi sẽ giúp”, là lúc mọi người có thể đẩy mức độ hợp tác lên một bậc.
Share Vulnerability không có ở những nhóm không có sự an toàn tâm lý, khi mà các thành viên không tin tưởng nhau và không có sự chia sẻ. Ngược lại, một nhóm kết nối được với nhau, nhóm sẽ hòa làm một và bắt đầu tư duy như là thể thống nhất.

P: Purpose

Cuối cùng, P là Purpose. Mục đích. Là thứ mà mọi nỗ lực hướng về. Từ đó mà có sự cộng hưởng và tạo ra sự nỗ lực lớn của nhóm. Mục đích cũng là căn cứ để mọi người có thể ăn mừng qua mỗi chiến thắng, hoặc học hỏi qua mỗi thất bại để tiếp tục hướng đến mục đích cuối cùng. Mục đích ở đây phải được chia sẻ, của chung, mọi người thực lòng thực bụng hướng đến, “mưu cầu” nó, chứ không phải là nói cho vui mồm “đầu môi chót lưỡi”. Điều đặc biệt là, càng rơi vào khủng hoảng, các nhóm thực thụ lại càng rõ hơn về mục đích của mình. Dù phải trải qua đớn đau cỡ nào, lãnh đạo và thành viên của nhóm có thể suy nghĩ về những thất bại và bắt đầu học hỏi để tiến về phía trước.

Mặc dù cuốn sách cũng có nêu ra một số gợi ý thực hành, nhưng có lẽ cái đáng giá chính là mật mã SVP này. Các nghiên cứu về nhóm làm việc hiệu quả (như dự án Aristotles của Google chả hạn), từ lâu đã đã xác nhận yếu tố nền tảng như “an toàn tâm lý”, hoặc vai trò của ý nghĩa và mục đích (Drive, Daniel Pink). Còn việc đưa ra yếu tố “share vulnerability” vào trong một “gen” văn hóa như thế này có thể là một diễn giải sáng tạo, giúp cho việc thực hành kiến tạo nhóm hiệu quả trở nên thuận lợi hơn chăng?

SVP có thể sẽ trở thành một mô hình tư duy giúp nhóm có hiệu suất làm việc cao hơn. Và chắc chắn là, cuốn sách Culture Code này xứng đáng nằm trong danh sách ngắn những cuốn sách về teamwork thời hiện đại.