Bạn có nguyên tắc làm việc không

Trên con đường học hỏi, bạn sẽ bắt gặp nhiều “guru”, những “cao thủ”, những “danh nhân” khác nhau. Họ đã cất công đúc rút và kiểm nghiệm ra các bộ nguyên lí của riêng mình. Một số được đẽo gọt và kiểm chứng qua thời gian với nhiều bối cảnh đa dạng, một số thì không. Một số được viết ra, một số chỉ được truyền miệng. Khi đã gọi là nguyên lý (đôi khi còn được gọi là nguyên tắc cơ bản, hay nguyên tắc cốt lõi) thì nó là những hướng dẫn cơ bản nhất cho cách nghĩ cách làm của mỗi người. 

Ảnh: unsplash

Nguyên lý thường thì cần phải mang tính khách quan, nhưng thực tế chúng lại có tính bối cảnh và tùy từng người. Vì thế ta còn gọi chúng là “giả định” (assumptions). Khi đã gọi nguyên lí theo giả định thì tức là niềm tin cơ bản có tính chất tiên đề. Bạn sẽ làm theo nó, chấp nhận nó, và tự nguyện để nó điều khiển cách nghĩ cách làm. Và do đó, nó rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của bạn.

Số lượng nguyên lý được gọi là cơ bản thường thì không nhiều. Chúng có giá trị vượt thời gian. Nếu một danh sách nguyên lý đủ tốt, nó sẽ giúp bạn làm việc linh hoạt trong nhiều bối cảnh khác nhau. Nó giúp bạn “lấy cái bất biến để ứng phó với cái biến động đa dạng”.

Một ví dụ đáng học hỏi về bộ nguyên tắc làm việc do doanh nhân Inamori Kazuo viết ra, phổ biến cho nhân viên của các tập đoàn toàn cầu, xuất bản thành sách bán chạy ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Cuộc đời làm việc năng động của Inamori Kazuo giúp ông đúc kết được những “triết lí” ngắn gọn và hữu hiệu để làm nền tảng cho một lối sống tích cực. Nó đã được viết ra, lưu truyền rộng rãi và được kiểm chứng về tính hữu hiệu qua hàng chục năm. Dưới đây là một danh sách rút gọn về những điều căn bản mà ông gọi là nguyên lí để có một cuộc đời viên mãn và làm việc hiệu quả:

  1. Thành quả công việc bằng tích số của Tư duy đúng đắn, lòng nhiệt tình với công việc và năng lực hoàn thành công việc (Thành quả = tư duy x nhiệt tình x năng lực)
  2. Bạn tư duy thế nào, cuộc đời sẽ ra thế ấy
  3. Nuôi dưỡng những giấc mơ tham vọng, và toàn tâm toàn ý sống với giấc mơ ấy.
  4. Luôn xác định rõ mục đích sống. 
  5. Không ngừng mài giũa tâm trí, mở rộng tâm hồn.
  6. Hãy sống đúng đắn với tư cách của một con người. Đừng quên những bài học được dạy từ tiểu học: không nói dối, trung trực, không lừa gạt người khác, không tham lam.
  7. Phục vụ những điều tốt đẹp hơn của nhân loại và thế giới với tấm lòng vị tha.
  8. Sống phản tư mỗi ngày, để xem xét từng hành vi, sửa lỗi và cải thiện.
  9. Sống nghiêm túc từng giây phút mỗi ngày.
  10. Sống với động cơ không ích kỉ, và đức hạnh.
  11. Sống với một trái tim thuần khiết và nồng ấm.
  12. Luôn yêu công việc của bạn, không kể đó là việc gì. Không nề hà những việc tẻ nhạt
  13. Luôn sáng tạo trong công việc
  14. Hãy là “trung tâm của cơn lốc” với sáng kiến và cam kết hết mình.
  15. Ra quyết định đúng đắn, không ích kỷ
  16. Sát sao với thực tiễn, bám sát hiện địa, hiện vật để giải quyết vấn đề
  17. Làm hết sức mình vì đồng nghiệp
  18. Không ngừng vươn tới sự hoàn hảo
  19. Chỉ mua những gì chúng ta thật cần, đúng lúc
  20. Nắm bắt vấn đề thật đơn giản, ngay cả khi đối mặt với những thứ phức tạp

Khi bạn suy nghĩ kĩ về bộ “nguyên lí”, có thể bạn sẽ thấy rất gần gũi và đồng tình với phần lớn. Nhưng cũng có thể bạn không đồng tình với một vài điểm kể trên. Bạn Dựa vào đó mà tiếp thu lấy một danh sách của riêng. Nếu bạn thấy bộ nguyên lí của mình chưa đầy đủ, cho toàn bộ đời sống của mình, thì bạn có thể tiếp tục tìm kiếm từ những người minh triết khác để bổ sung cho “hệ điều hành” trong đầu của mình.

Chẳng hạn, tôi từng phác thảo bộ nguyên lí“Để làm việc cho tốt” theo hướng tối giản như sau: 

  1. Luôn yêu công việc của bạn, dù đó là việc gì.
  2. Có thái độ tốt, công việc sẽ tốt, kể cả những việc rất tẻ nhạt.
  3. Cách bắt đầu một công việc tốt là tìm cách giải quyết vấn đề của chính mình.
  4. Đặt được bài toán hay, sẽ có lời giải hay. 
  5. Làm cho vấn đề thật đơn giản, ngay cả khi nó rất phức tạp
  6. Là “chủ sở hữu” của sáng kiến và cam kết hết mình, và sống ở thể chủ động (proactive). 
  7. Bám sát thực tiễn để ra quyết định hiệu quả.
  8. Ra quyết định đúng đắn, không ích kỉ
  9. Sáng tạo không ngừng
  10. Cải tiến liên tục, vươn tới sự hoàn hảo
  11. Nghỉ ngơi cũng quan trọng không kém bận rộn.
  12. Khi đã mất hứng với một công việc, nghĩa vụ cuối cùng là bàn giao lại cho người có nhiệt tình và khả năng.

Bộ nguyên tắc này phần lớn được rút ra theo nguyên tắc của Inamori, một phần khác từ lối làm việc phổ biến của cộng đồng nguồn mở và trào lưu linh hoạt trên thế giới.

Mở rộng ra, nếu một bộ nguyên lí được chia sẻ trong phạm vi một nhóm, hay một tổ chức, thì như vậy là nó đã góp phần định hình văn hóa của một cộng đồng với nguyên tắc sống giống nhau, chung niềm tin, chung hệ giá trị, chung quy ước.

Cuối cùng, dù bạn có thu nhận điều hay lẽ phải ở đâu thì đòi hỏi chúng phải được chứng nghiệm, để tránh “lý thuyết suông”. Bạn sẽ phải sống với những nguyên lí này, và quan sát tác dụng của chúng. Chúng cũng sẽ càng có ích khi được chia sẻ một cách rộng rãi.

Vậy xin hỏi, nguyên tắc làm việc của bạn gồm những gì?