Thiết kế một cuộc đời đáng sống

Khi còn bé chúng ta đều đã từng được đặt câu hỏi “Khi lớn lên bạn muốn làm gì?”, cho đến khi rời ghế nhà trường bạn sẽ đối diện với câu hỏi ấy một lần nữa nhưng khác đi một chút “Bạn sẽ làm gì sau khi rời trường học là gì?”. Những câu hỏi rộng hơn nữa sẽ là “Bạn muốn sống một cuộc đời như thế nào?”
Phần lớn chúng ta sẽ không biết cách trả lời câu hỏi ấy một cách chính xác, thậm chí sai lệch hoàn toàn so với những gì bạn tưởng tượng.

thietkemotcuocdoidangsong

Ảnh: canva

Mỗi một người đều có nhiều phiên bản cuộc đời. Chúng ta có nhiều vai diễn cần hoàn thành. Khi là người học, khi là người bố, khi là nhà quản lý và khi khác lại là một nhà thơ. Giả sử bạn đang làm tốt một vai diễn sẽ đến giai đoạn bạn sẽ cần đặt câu hỏi làm thế nào để thực hiện tốt các phiên bản khác của bản thân? Cuốn sách Thiết kế một cuộc đời đáng sống với thông điệp rất rõ ràng – bạn hoàn toàn có thể sống nhiều cuộc đời, trong nhiều “vũ trụ” khác nhau trong kiếp này. Vậy làm thế nào bạn có thể làm được điều đó?

Đáp án của tác giả chính là bắt tay vào thiết kế cuộc đời của riêng bạn bằng Tư duy thiết kế (Design Thinking). Tư duy thiết kế hiểu đơn giản là bạn tư duy như một nhà thiết bằng cách tập trung vào giải quyết vấn đề và tìm kiếm giải pháp, thử nghiệm và thực hành liên tục. Tư duy thiết kế cũng giúp bạn trả lời được các câu hỏi lớn về công việc và cuộc sống cá nhân:

  • Làm thế nào để tìm được công việc mình yêu thích, đam mê?
  • Làm thế nào để gây dựng một sự nghiệp mang lại cuộc sống sung túc?
  • Làm thế nào để cân bằng giữa công việc và đời sống gia đình?
  • Làm thế nào để tạo nên sự khác biệt cho thế giới?

Hai tác giả của cuốn sách, Bill Burnett và Dave Evans  là những chuyên gia về thiết kế ở Đại học Stanford, có nhiều năm nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực, do đó họ có hiểu biết sâu rộng. Nhất là những hiểu biết về con người, về tâm lí học, cũng như các kĩ thuật sáng tạo. Cũng vì vậy mà cuốn sách được trình bày rất khoa học, và có lẽ cũng dễ thực hành nữa.

Một trong “kĩ thuật” để thay đổi tư duy xuyên suốt cuốn sách được tác giả nhấn mạnh là việc tái định hướng những tư duy không hữu ích. Trong từ gốc tác giả gọi là những niềm tin sai lệch (dysfunction belief) – nó sai lầm là vì không giúp cho cuộc đời của bạn. Rồi từ đó tác giả giúp bạn định hướng lại (từ gốc là reframe) để có cách nghĩ đúng đắn hơn, hữu ích hơn cho công cuộc thiết kế và sáng tạo một cuộc đời đáng sống. Reframe cũng được tác giả coi là một trong những tư duy thiết kế quan trọng nhất.

Ví dụ của sự chuyển đổi từ niềm tin sai lệch sang một định hướng mới như:

  • Niềm tin sai lệch: Bằng cấp quyết định sự nghiệp => Định hướng lại: Cứ bốn sinh viên thì có ba người sau khi tốt nghiệp không làm các công việc liên quan tới chuyên ngành.
  • Niềm tin sai lệch: Nếu thành công, bạn sẽ hạnh phúc => Định hướng lại: Hạnh phúc thật sự đến  từ việc tạo dựng một cuộc sống phù hợp với chính bản thân mình.

Thông qua quá trình tái định hướng.  Bạn sẽ tìm được con đường phía trước. Đó là thứ giúp bạn tìm được công việc bạn yêu thích, đó là thứ giúp bạn chuyển từ “cuộc đời nên sống” sang cuộc đời bạn “muốn sống”. Nếu cuộc sống của bạn tốt rồi thì tái định hướng cũng vẫn hữu ích khi có thể tạo ra một phiên bản tốt hơn cho cuộc sống hiện tại của bạn.

Cuốn sách này dành cho ai?

  • Những sinh viên mới ra trường chưa biết tương lai 5 năm, 10 năm nữa mình sẽ như thế nào.
  • Những người đang ở độ tuổi đặt các câu hỏi cho cuộc đời mình sau một thời gian dấn thân trong công việc – “Điều gì là quan trọng?” “Tại sao mình không hạnh phúc ngay cả khi có tất cả?”
  • Những người muốn tái tạo cuộc sống, tạo ra phiên bản tốt hơn của mình, ngay cả khi đang ở bất kì độ tuổi nào.

Dưới đây là 10 nội dung quan trọng của cuốn sách:

  • Tư duy như một nhà thiết kế giúp bạn bắt đầu xây dựng các giải pháp cho vấn đề của cuộc đời mình
  • Hạnh phúc sẽ đến khi ta thiết kế được một cuộc đời phù hợp với chính mình
  • Không bao giờ là muộn để bắt đầu thiết kế một cuộc sống mới
  • Tìm kiếm vấn đề + Giải quyết vấn đề = Cuộc sống được thiết kế tốt
  • Bạn không thể biết mình đi đâu nếu không biết mình đang ở đâu
  • Bạn không phải lúc nào cũng biết mình sẽ đi đâu, nhưng có thể biết được mình có đúng hướng không
  • Làm việc thấy sướng chính là một tiêu chí của đúng việc. Nhưng tìm được đúng việc không hề dễ, và có thể bạn sẽ phí phần lớn  thời gian khi cố tìm nó cho bằng được
  • Chỉ cần một ý tưởng “ăn tiền” là tôi sẽ thăng thiên. Nhưng để có một ý tưởng “ăn tiền” thì thường là tôi cần 101 ý tưởng không “ăn tiền” khác
  • Tôi không bao giờ “bí”, nếu như tôi có thể tạo ra thật nhiều ý tưởng
  • Công việc đáng mơ ước của tôi ở ngay đây, do chính tôi tích cực tìm kiếm và đồng kiến tạo không ngừng

Ngoài những lời khuyên về tư duy thiết kế, tác giả cũng đưa ra các bước cụ thể giúp bạn có thể bắt tay ngay vào thực hành thiết kế nên các phiên bản của mình ngay lập tức. Lời khuyên cụ thể là ba tiềm năng, ba phiên bản của cuộc đời bạn trong 5 năm. Hãy bắt tay vào thiết kế lại cuộc đời của bạn nếu như bạn đang có ý tạo nên “đa vũ trụ” của bản thân.