Công việc tốt: Một cuộc phỏng vấn với Howard Gardner

Gần đây, Howard Gardner, Mihaly CSIKSZENTMIHALYI và William Damon đã xuất bản một cuốn sách về “Công việc tốt: Khi sự xuất sắc và đạo đức gặp nhau”. Cuốn sách này đề cập đến nhu cầu tập trung vào công việc có chất lượng trong thời đại thực dụng và đề cao giá trị đồng tiền. Gardner và các cộng sự của ông đã phỏng vấn các nhà báo và nhà di truyền học và thảo luận về các sản phẩm, lợi nhuận, việc đạo văn và tác động của các phương tiện truyền thông hiện đại đối với giáo dục và thông tin. Kêu gọi sự đàng hoàng, dân chủ và phát triển, các tác giả nêu ra sự cần thiết phải quay về với trách nhiệm xã hội, đạo đức và phẩm chất. Trong cuộc phỏng vấn này, Giáo sư Gardner thảo luận về công trình mới nhất của mình và trả lời các câu hỏi liên quan.

HGSE Faculty portraits.

Ảnh: multipleintelligencesoasis.org

PV: Chính xác thì “công việc tốt là gì?”

HG: Công việc tốt là công việc đồng thời có chất lượng xuất sắc và có trách nhiệm với xã hội: các cá nhân làm tốt công việc và  quan tâm đến các tác động cũng như ứng dụng của công việc và cố gắng đảm bảo rằng công việc được sử dụng cho mục đích mang tính xây dựng. Bill Damon, Mihaly CSIKSZENTMIHALYI và tôi đang tham gia vào một nghiên cứu thực nghiệm quy mô lớn về công việc tốt trong các ngành nghề khác nhau. Chúng tôi đặt ra câu hỏi cho những cá nhân muốn làm tốt công việc, thành công hoặc thất bại khi thực hiện công việc tốt, vào thời điểm mà mọi thứ đang thay đổi với tốc độ cực lớn và khi các tác nhân thị trường đang trở nên cực kỳ mạnh mẽ. Nghiên cứu của chúng tôi bao gồm các cuộc phỏng vấn sâu với 100 nhà báo và 100 nhà di truyền học. Chúng tôi báo cáo kết quả của giai đoạn này trong Một công việc tốt: Khi sự xuất sắc và đạo đức gặp nhau (2001).

PV: Làm thế nào chúng ta có thể khuyến khích sự xuất sắc trong thời đại thực dụng?

HG: Chưa bao giờ dễ dàng khuyến khích sự xuất sắc — đó là lý do tại sao người La Mã, Hy Lạp và Trung Quốc cổ đại đã phát triển các hệ thống triết học nhấn mạnh đến sự phát triển của cá nhân. Trong thời đại của chúng ta, luôn cần những anh hùng, những hình mẫu, những người cố vấn, những người chỉ ra sự cần thiết của sự xuất sắc và những người nhân cách hóa nó trong sự tồn tại của chính họ.

PV: Trong kinh doanh, Tom Peters đã viết cuốn “Tìm kiếm sự xuất sắc” và trong Giáo dục, William Glasser đã viết “Trường học chất lượng và giáo viên chất lượng.” Tại sao những khái niệm này không chạm tới được quan điểm xuất sắc?

HG: Tất nhiên, các khái niệm trên đã giải thích một mức độ nào đó. Ở Mỹ, những ý tưởng có cánh sẽ tìm được đối tượng phù hợp, mặc dù chúng hiếm khi bao gồm tất cả các lĩnh vực vốn rộng lớn, đa dạng và phức tạp. Phong trào Trường học Chất lượng đã đụng độ với phong trào “trở về cơ bản” và “phong trào tiêu chuẩn” vốn còn ít chất giáo dục. Tom Peters cũng không giúp ích gì nhiều khi gần đây ông ấy thừa nhận rằng ông ấy đã làm giả một số dữ liệu trong cuốn sách của mình. Đó KHÔNG phải là một ví dụ về Công việc tốt!

PV: Tại sao chúng ta lại hy sinh sự xuất sắc và đạo đức vì lợi ích và lợi nhuận?

HG: Các lực lượng thị trường luôn tồn tại, nhưng thông thường chúng sẽ bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ, tôn giáo, chính phủ hoặc các lực lượng tương tự. Ít nhất cho đến ngày 11 tháng 9 năm 2001 các lực lượng thị trường đã tự do kiềm chế Hoa Kỳ trong vài thập kỷ. Sự kiện này không ngăn cản đạo đức và sự xuất sắc, nhưng nó khiến chúng trở nên thứ yếu. Mọi người đã kinh doanh “để bán” chứ không phải “để trường tồn”. Suy thoái kinh tế và “cuộc tấn công vào nước Mỹ” cũng có thể thay đổi các ưu tiên của chúng ta và làm cho các lực lượng thị trường thuần túy bớt chi phối; nhưng còn quá sớm để nói về điều đó.

PV: Trong thời đại hòa nhập hiện nay, làm thế nào để giáo viên có thể thực hiện tốt công việc khi có nhiều trẻ em tàn tật, khuyết tật được đưa vào các lớp học phổ thông?

HG: Câu hỏi này giả định rằng một người không thể làm tốt bài tập trong các lớp học bình thường. Tôi đồng ý rằng để làm được việc tốt trong một môi trường tích hợp thì rất thử thách. Tuy nhiên, người lao động giỏi thường bị kích thích bởi những thách thức; và không nghi ngờ gì rằng một số giáo viên có năng khiếu có khả năng thực hiện công việc tốt trong những hoàn cảnh khác nhau. Câu hỏi đặt ra là: Liệu chính sách có nên dựa trên những ví dụ hiếm khi xảy ra như vậy không? Người ta cũng phải tính toán cái giá phải trả nếu không lồng ghép những thiếu niên khuyết tật trong một lớp học.

PV: Hiện nay, ngày càng có nhiều sinh viên tham gia các lớp học trực tuyến qua mạng. Liệu điều này có tạo ra được công việc tốt và học tập tốt không và nó sẽ có tác động gì đến giáo dục?

HG: Công nghệ có tính trung lập về mặt đạo đức; người ta có thể sử dụng vệ tinh để phát những bản nhạc hay tuyên truyền. Học từ xa hiệu quả khi người học được chuẩn bị tốt. Tuy nhiên, có rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống mà sự tiếp xúc trực tiếp là rất cần thiết. Trẻ mẫu giáo cần làm việc với người lớn trực tiếp; những người trẻ cũng cần được hướng dẫn bởi người cố vấn trực tiếp. Đó là khi mà sự phụ thuộc hoàn toàn vào đào tạo từ xa sẽ dẫn đến rủi ro.

PV: Những đứa trẻ có năng khiếu gần như được định hướng mặc định để làm việc tốt, công việc chất lượng và công việc toàn diện. Có phải điều gì đó về gen của họ hoặc môi trường sống tại nhà của họ đã thúc đẩy động lực và động lực này không?

HG: Bạn chưa nhắc tới các trường hợp ngược lại. Rất nhiều trẻ có nhiều tiềm năng nhưng lại không làm được, hoặc chúng trở nên nghịch ngợm hoặc trở nên tệ hơn. Tôi nghĩ rằng điều bạn muốn nói ở đây là: những học sinh được coi là có năng khiếu ở trường thường có động lực để làm việc chăm chỉ.

Môi trường gia đình là rất quan trọng, chỉ cần nhìn vào những biểu hiện xuất sắc của người Mỹ gốc Á tại Hoa Kỳ trong vài thập kỷ qua. Không ai cho rằng thành công của họ chủ yếu là do gen; mà đó là nhờ vào niềm tin vào nỗ lực, tinh thần làm việc mạnh mẽ và những bậc cha mẹ LUÔN NGỒI BÊN CON MỖI ĐÊM.

PV: John F. Kennedy đã viết cuốn Hồ sơ về Lòng dũng cảm. Cuốn sách của ông gợi nhắc đến việc Kennedy tập trung vào những cá nhân có niềm tin tuyệt vời để làm “điều đúng đắn” bất chấp sự phản đối. Làm thế nào để chúng ta có được các nhà báo, các nhà di truyền học và các nhà giáo dục học theo mô hình này?

HG: Trong cuốn sách của chúng tôi, chúng tôi đề xuất ba thành phần quan trọng của CÔNG VIỆC TỐT: 1) Xác định rõ sứ mệnh của bạn – bạn và những người khác trong nghề của bạn đang cố gắng hoàn thành điều gì? 2) Nhận ra những hình mẫu TẠI SAO mà bạn ngưỡng mộ và mong muốn noi theo, và tại sao? 3) Thường xuyên tự đánh giá lại bản thân; Khi bạn nhìn mình trong vai trò là một người lao động trong gương, bạn tự hào hay xấu hổ? Thế giới sẽ ra sao nếu mọi người đều làm việc theo cách bạn làm? Chỉ có ý thức mạnh mẽ về sứ mệnh cá nhân, các tiêu chuẩn và tính chính trực mới cho phép các cá nhân chịu được những áp lực mà bạn đối mặt.

PV: Ông nói về “đòn bẩy cho công việc tốt.” Chúng là gì và thực hiện chúng như thế nào?

HG: Mỗi người lao động đều phải chịu những áp lực nhất định. Điều quan trọng nhất đối với họ là phải biết rõ công việc của mình và không được chệch hướng khỏi nhiệm vụ trọng tâm đó. Đôi khi, người ta có thể tiếp tục làm công việc của mình, CHỈ VÌ người ta tin tưởng vào nó.

Tuy nhiên, nếu không có hiệu suất nhất quán, người ta phải chuẩn bị các biện pháp khắc nghiệt hơn. Điều này có thể giống như hoạt động du kích, một người tiếp tục làm những gì người ta tin là đúng ngay cả khi có nguy cơ bị làm tổn hại. Anh ta có thể cố gắng để sắp xếp với với đồng nghiệp của mình để làm được công việc tốt. Trong trường hợp cực đoan nhất, các cá nhân làm việc cùng nhau để tạo ra một thể chế mới, thể chế này thể hiện các giá trị của họ. Margaret Mead từng nói “Đừng đánh giá thấp một nhóm nhỏ đang nỗ lực hết mình để thay đổi thế giới. Thực tế, đó là điều duy nhất thế giới từng có”. 

PV: Giáo viên có vị trí trung tâm trong xã hội của chúng ta. Làm thế nào để có thể huấn luyện giáo viên tận hưởng “niềm vui khi làm việc với các tài liệu khoa học,” khiến học sinh say mê với tư duy, khiến trẻ em tham gia tìm hiểu khoa học với niềm hân hoan và tạo niềm tin rằng khoa học tạo nền tảng cho một kiểu tư duy đúng đắn?

HG: Chỉ khi chính giáo viên tin vào những ý tưởng này, và nếu họ đưa nó vào thực hành hàng ngày và tương tác với học sinh, thì nhiều học sinh của họ sẽ đạt được điểm cao. Tuy nhiên, nếu họ chỉ nói đãi bôi, hoặc nếu họ không áp dụng vào cuộc sống hàng ngày của chính họ, thì tất nhiên, học sinh cũng sẽ không có cảm hứng học.

PV: Sự hời hợt dường như là một khẩu hiệu của các nhà báo cũng như nhiều chuyên gia. Tại sao chúng ta không thích phân tích sâu về các vấn đề và mối quan tâm?

HG: Không rõ là bản thân các nhà báo coi thường những bài phân tích sâu hay công chúng chỉ thích những tin đồn nhảm, giật gân hay những tin tức khiến ta “ngu ngốc hơn”. Nhưng nguyên nhân không quan trọng. Một nhà báo chuyên nghiệp chân chính sẽ đưa ra những gì cần được đề cập một cách thấu đáo; và sẽ làm điều đó với sự chỉn chu và sáng tỏ đến mức khán giả sẽ bị cuốn hút vào nó. Nhân tiện, kể từ ngày 11 tháng 9, chúng tôi đã thấy sự khao khát lớn hơn nhiều đối với báo chí có phân tích chuyên sâu.

PV: Làm cách nào để chúng ta có thể giúp các chuyên gia thực hiện tốt nhất trách nhiệm của họ – đối với xã hội, với người khác, lĩnh vực của họ, bản thân và nơi làm việc?

HG: Các nhà chuyên môn cần đi đầu trong việc cải cách chính mình. Đó là bản chất của một công việc. Khi các bác sĩ từ chối tuân theo HMO (một tổ chức y tế tại Mỹ), giới hạn số lần khám bệnh trong vài phút cho mỗi bệnh nhân, HMO sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ chối. Chúng ta cũng có thể giúp ích bằng cách đặt ra các tiêu chuẩn ứng xử hợp lý.

Đối với việc cân bằng trách nhiệm – đó là điều mà mỗi chúng ta phải làm cho chính mình. Chúng ta có thể giúp đỡ và truyền cảm hứng cho nhau, nhưng cuối cùng, gánh nặng này liên quan đến quyết định và trách nhiệm của cá nhân.

PV: “Việc tốt” có liên quan như thế nào đến “Cơ cấu trí khôn” và “Thuyết đa trí tuệ” hay trí thông minh nói chung?

HG: Cả Mihaly CSIKSZENTMIHALYI và tôi đều đã nghiên cứu sự sáng tạo, khả năng lãnh đạo và trí thông minh trong nhiều năm. Nhưng chúng tôi đã làm như vậy theo cách vô thức – những đặc điểm này có thể được sử dụng một cách xây dựng hoặc phá hủy (ví dụ như Goethe và Goebbels; hoặc Mandela và MILOSEVIC). Gần đây, chúng tôi đã hợp tác với nhà tâm lý học William Damon, một chuyên gia về phát triển đạo đức. Chúng tôi muốn xem một người siêu thông minh có thể được gắn với tinh thần trách nhiệm như thế nào. Chúng tôi đang xem xét câu hỏi này trên nhiều ngành nghề hoặc lĩnh vực, có lẽ dựa trên nhiều trí thông minh của con người.

PV: Đối mặt với sự thiếu hụt giáo viên lớn, làm thế nào chúng ta có thể làm “công việc tốt” trong đào tạo giáo viên và làm thế nào chúng ta có thể thúc đẩy việc học tập độc lập cũng như phát triển nghề nghiệp?

HG: Nghề dạy học ở Mỹ đã được hoàn thiện hơn với một xu hướng tốt – phụ nữ có thể theo đuổi bất kỳ nghề nghiệp nào họ muốn. Việc giảng dạy bây giờ phải cạnh tranh với những nghề được trả lương cao hơn và phần thưởng công bằng hơn. Chúng ta có lẽ cần phải cởi mở với nhiều cách tuyển dụng giáo viên và cần hiểu rằng những cá nhân tài năng có thể không trụ lại ngành giáo dục trong nhiều thập kỷ. Cá nhân tôi, tôi sẽ ủng hộ một nấc thang nghề nghiệp dài hơn và rõ ràng hơn, nơi những giáo viên có năng khiếu sẽ được công nhận với địa vị cao hơn, sự linh hoạt và được trả lương ngang bằng với các nghề khác. Tuy nhiên, chủ nghĩa lý tưởng có lẽ sẽ vẫn là một lực hấp dẫn chính trong giảng dạy; chúng ta vẫn chờ xem liệu chúng ta đang tiến tới hay rời xa thời đại lý tưởng này.

PV: Làm thế nào để các nhà báo, các nhà di truyền học và các nhà giáo dục có đạo đức có thể đối phó với những người cấp trên có định hướng theo đuổi lợi nhuận?

HG: Thật không dễ dàng khi bạn có một người sếp chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Chắc chắn khi là một người lao động giỏi, bạn cần phải có những “giới hạn” mà bạn sẽ không được vượt qua; nếu bạn không làm thế thì bạn không khác gì ông chủ của bạn. Nếu được yêu cầu làm điều gì đó không phù hợp, bạn nên từ chối và giải thích lý do tại sao. Và nếu việc lên tiếng không hiệu quả thì đôi khi bạn phải thoát ra.

PV: Phát triển, đàng hoàng và dân chủ là ba từ ông yêu thích trong cuốn sách “Việc tốt”. Làm thế nào để giáo dục có thể có được ba điều này? Chúng ta có cần tới những cơ quan giám sát để theo dõi không?

HG: Phát triển là tất cả những gì giáo dục nhắm tới. Nếu cuối cùng, chúng ta không có những cá nhân được phát triển một cách khỏe mạnh và trí tuệ, thì giáo dục đã thất bại. Sự đàng hoàng được học khi nó được mô hình hóa một cách nhất quán. Đối với dân chủ, nó đòi hỏi người lớn cần làm gương cũng như kiến thức về dân chủ. Một xã hội dân chủ chỉ có thể hoạt động khi các thành viên của nó hiểu được cơ sở lý luận của nó, tin tưởng vào nó và hoạt động trên cơ sở đó.

PV: Làm thế nào mà một giáo viên trung bình có thể tạo ra “công việc tốt” mà không góp phần vào “lạm phát điểm số”?

HG: Công việc tốt không liên quan gì đến lạm phát điểm số cả. Giáo viên khuyến khích việc làm tốt khi chúng có các tiêu chuẩn rõ ràng và có thể diễn giải chúng, đồng thời giúp giúp học sinh đạt được chúng! Trên thực tế, các cá nhân không thích các phản hồi sai, không thật hay bị thổi phồng lên; và do đó, cả học sinh và giáo viên sẽ tốt hơn khi cung cấp được những đánh giá trung thực với chất lượng cao và những gì cần được cải thiện!

Lược dịch từ NAJP (North American Journal of Psychology)

Tài liệu tham khảo:

Gardner, H., Csikszentmihalyi , M., & Damon, W. (2001). Công việc tốt: Khi sự xuất sắc và đạo đức gặp nhau. New York Basic Books.