Một định nghĩa khác về “Thanh Xuân” của Samuel Ullman

Samuel Ullman là một doanh nhân, nhà thơ, nhà nhân đạo và nhà lãnh đạo tôn giáo người Mỹ. Ông được biết đến nhiều nhất hiện nay với bài thơ “Youth” (Thanh xuân). Ông viết bài thơ vào năm 1918, khi đã 78 tuổi. Bài thơ mô tả triết lý sống, sự phục vụ và niềm lạc quan đã định hình nên cuộc đời của ông.

Sinh ra trong một gia đình do thái nhưng đã sống một cuộc đời cống hiến cho cộng đồng tại hai nơi Natchez và Birmingham, Mỹ. Tại những nơi này, ông đã khởi sự kinh doanh, trở thành uỷ viên hội đồng thành phố, thành viên của hội đồng giáo dục địa phương và để lại dấu ấn được mọi người tôn trọng trong các lĩnh vực mà ông kinh qua.

youth

Vào những năm tháng nghỉ hưu, Ullman có nhiều thời gian hơn để thực hiện một trong những ước mơ yêu thích của ông: viết những lá thư, viết tiểu luận và làm thơ. Những trang thơ, bài tiểu luận của ông mô tả những điều đẹp đẽ nhất chắt lọc từ chính cuộc đời của ông. Đó là tình yêu, thiên nhiên, tôn giáo, lối sống vội vã của một người bạn và cách sống “trẻ” mà độc giả biết đến qua bài thơ nổi tiếng nhất của ông – Youth. 

Vào năm 1945, tờ Reader’s Digest xuất bản bài thơ Youth, nhưng nhờ tướng Douglas MacArthur, tư lệnh tối cao của quân đội đồng minh trong thế chiến thứ II là người có công giúp cho bài thơ được nổi tiếng. Ông đã đóng khung bài thơ Youth lên trên tường của mình trong văn phòng ở Tokyo và tích cực nhắc tới bài thơ trong các buổi diễn thuyết. Điều này khiến cho bài thơ dậy sóng ở Nhật bản và đạt được danh tiếng ở Nhật hơn cả ở Mỹ.

Bài thơ được viết khi tác giả đã kinh qua đủ trải nghiệm sống và làm nhiều công việc, vị trí khác nhau trong xã hội. Nhưng ý tưởng của bài thơ vẫn luôn mới mẻ và có giá trị vượt thời gian. Như Jiro M.Miyazawa, nhà sáng lập và chủ tịch của Toppan Moore Company đã từng nhận xét đó là “một thông điệp sống trẻ, sống khoẻ và sống một cuộc đời của công việc” (1987).

Ta có thể thấy thông điệp ấy đều nhắm tới mục đích cuối cùng là sống một cuộc đời viên mãn. Ai cũng muốn trẻ mãi, sức khoẻ dồi dào để cống hiến tới tận khi về già. Au cũng muốn níu kéo tuổi thanh xuân. Nhưng “trẻ” không chỉ nằm ở số tuổi và hình dáng bên ngoài. Hiểu theo nghĩa đó thì “thanh xuân” có hạn định. Mà ở đây tác giả muốn nhắm tới một thanh xuân mang tính “bền vững”, thậm chí là “vĩnh cửu”.

Bài thơ như lời kêu gọi để thanh xuân là quãng thời gian đẹp đẽ nhất, chúng ta cần cống hiến sức lực một cách không ngừng nghỉ. Cống hiến ở đây là sự cống hiến cho công việc, cho cuộc đời. Và để “mãi mãi” thanh xuân, chúng ta phải liên tục lên dây cót tinh thần để tâm hồn không bao giờ khô héo. Hãy xây dựng niềm hy vọng, ý chí, niềm vui của cuộc sống, những rung cảm với cái đẹp và những phẩm chất đáng quý để cuộc sống luôn “tươi mới”.


Dưới đây là bản dịch tiếng việt của Tú Trâm

THANH XUÂN
Samuel Ullman (1840-1924)
Tú Trâm dịch

Thanh xuân không phải là một quãng thời gian trẻ tuổi, mà là một trạng thái của tư duy; không phải là đôi má ửng hồng, đôi môi đỏ mọng hay đầu gối dẻo dai; mà là ý chí mạnh mẽ, phẩm chất tưởng tượng và độ tráng kiện trong cảm xúc; thanh xuân là sự tươi mát của mùa xuân cuộc đời.

Thanh xuân là khi khí phách vượt lên hèn nhát, khi phiêu lưu trội lên tâm lý ưa sự dễ dàng. Những điều mà có khi người ta lại hay thấy ở tuổi sáu mươi hơn là trong cơ thể mới hai chục. Không ai già đi chỉ vì tăng tuổi. Người ta già đi vì lí tưởng đang khô cằn.

Năm tháng làm da dẻ nhăn nhúm, còn mất đi thấu cảm khiến ta khô héo tâm hồn. Lo lắng, sợ sệt, tự đánh mất niềm tin sẽ bóp nát trái tim và vùi tâm hồn ta chìm vào cát bụi.

Dù sáu mươi hay mười sáu, trái tim ta đều chan chứa khát khao điều kì diệu, cũng như ham thích không ngừng nghỉ những vui thích cuộc đời. Chừng nào trái tim ta vẫn còn thu nhận và trao đi cái đẹp, niềm hy vọng, nỗi hân hoan, lòng can đảm và sức mạnh từ mọi người cũng như từ cõi vô hạn; chừng đó chúng ta hãy còn xuân thì.

Khi khả năng thu-phát ấy không còn, linh hồn ta bị phủ lên với lớp băng giá nghi hoặc và bi quan, là lúc ta già đi, dù cho mới chỉ hai mươi năm cuộc sống. Chừng nào trạm thu-phát ấy còn nhanh nhạy, còn bắt được sóng lạc quan, chừng đó ta có cơ hội chết trẻ kể cả khi tuổi đã quá tám mươi.


“YOUTH” – Samuel Ullman (1840-1924)

Youth is not a time of life; it is a state of mind; it is not a matter of rosy cheeks, red lips and supple knees; it is a matter of the will, a quality of the imagination, a vigor of the emotions; it is the freshness of the deep springs of life.

Youth means a temperamental predominance of courage over timidity of the appetite, for adventure over the love of ease. This often exists in a man of sixty more than a boy of twenty. Nobody grows old merely by a number of years. We grow old by deserting our ideals.

Years may wrinkle the skin, but to give up enthusiasm wrinkles the soul. Worry, fear, self-distrust bows the heart and turns the spirit back to dust.

Whether sixty or sixteen, there is in every human being’s heart the lure of wonder, the unfailing child-like appetite of what’s next, and the joy of the game of living. In the center of your heart and my heart there is a wireless station; so long as it receives messages of beauty, hope, cheer, courage and power from men and from the infinite, so long are you young.

When the aerials are down, and your spirit is covered with snows of cynicism and the ice of pessimism, then you are grown old, even at twenty, but as long as your aerials are up, to catch the waves of optimism, there is hope you may die young at eighty.

Đọc thêm tại:

https://birminghamhistoricalsociety.files.wordpress.com/2020/08/bhs_newsletter_2008_ullman.pdf

https://www.uab.edu/ullmanmuseum/